Dev in Japan
Nguyễn Nhân  

Tỉ giá Yên và sự từ chối mức lương 2500$-3000$ của kỹ sư Việt

Đây là câu chuyện hoàn toàn có thật từ chính bản thân mình – người trong cuộc, nói về những hối hận muộn màng khi đặt nặng vấn đề tỉ giá của một vài bạn kỹ sư Việt Nam khi qua làm việc ở một đất nước khác, cụ thể ở đây là Nhật Bản. Qua bài viết, mình hi vọng những bạn nào có ý định ra nước ngoài, có 1 cái nhìn khách quan, cụ thể hơn về vấn đề tỉ giá. Hãy xem một số kỹ sư Việt từ chối mức lương 2500$-3000$ vì tỉ giá như thế nào nhé.

Nội dung chính

Tuyển dụng

Vào tháng 3/2015, mình về Việt Nam lo việc cá nhân và cũng để hỗ trợ đợt tuyển dụng của công ty, khoảng đến tháng 5 thì việc tuyển dụng kết thúc với gần 300 hồ sơ và 4 bạn xuất sắc (phù hợp) nhất được tuyển chọn qua 5 vòng khá cam go.

Phải nói đợt tuyển dụng chiếm khá nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc của 5 công ty liên quan: Vietnamwork, công ty đối tác ở Nhật và chi nhánh ở Việt Nam, công ty phụ trách kiểm tra chất lượng chuyên môn của ứng viên và công ty mình.

Công ty tuyển dụng với mức lương từ 2500$-3000$

Chuyện tỉ giá bắt đầu

Vào tháng 5/2015 đến tháng 11/2015 là giai đoạn đồng Yên thấp nhất trong lịch sử quanh mốc 172 ~175, đó cũng là lý do nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến lương.

Tại thời điểm này, với tỉ giá 1$ = 123 Yên, tuy nhiên công ty đã đưa ra mức lương từ 25-30man (1man = 10.000 yên) với tỉ giá 1$ = 100 Yên tại thời điểm đưa ra kế hoạch tuyển dụng từ tháng 10-12/2014, sau đó thì đồng yên giảm giá mạnh. Do vậy, quy đổi ra VND lúc đó chỉ giao động từ 43 triệu – 52 triệu đồng.

vnd-yen-rate

Ở vòng cuối chính là vòng đàm phán lương, và vấn đề tỉ giá được đưa ra để trao đổi, hầu hết các bạn đưa vấn đề tỉ giá ra để đàm phán lương, mặc dù công ty đăng thông báo là trả bằng USD, nhưng khi đàm phán lương là trả bằng YEN. Dẫn đến việc mức trả quy đổi ra USD không cao như mong muốn, và ngay lập tức 1 bạn đã thẳng thừng từ chối. Như vậy là còn 3!

Mình không biết 3 bạn còn lại đã đàm phán lương ra sao, nhưng cũng đã đồng ý và công ty mình tiến hành thủ tục làm VISA. Do có vài trục trặc về việc làm VISA nên đến khoảng tháng 11 thì mới có chính thức, nhưng chỉ được cho 2 bạn, còn 1 bạn không may mắn đã trượt giấy phép. Như vậy là còn 2!

Rút quân phút bù giờ

Sau khi có giấy phép làm việc tại Nhật do phía Nhật Bản cấp – bước quan trọng nhất trong quá trình làm visa, tức là đã cấp phép cho 2 bạn còn lại. Thì rất bất ngờ, sau khi nhận giấy phép, 2 bạn này lại tiếp tục “đàm phán lương”, vì vẫn cho rằng lương thấp (hay vì tỉ giá quy đổi vẫn thấp?). Công ty vẫn đồng ý đàm phán lương, nhưng cuối cùng 1 bạn vẫn không đồng ý với mức mới (+ điều kiện đi kèm?). Như vậy là còn 1!

Đánh bài chuồn

Cuối cùng, qua bao nhiêu gian khó, 1 bạn đã bay qua được Nhật Bản, và làm việc 1 tuần, sau đó bỏ về nước không thông báo cho bất kỳ 1 ai, không liên lạc! Sau khi liên lạc được thì báo bệnh, thời tiết không phù hợp, blah blah…Mình nghĩ là sau một thời gian ở Việt Nam (công ty vẫn trả lương cho khoảng thời gian bị trục trặc visa), bạn này có thể tiếp tục với công ty cũ, hoặc tìm được một công việc tốt hơn nên không muốn làm việc cho công ty mới, chung quy lại cũng vì lương, vẫn vì tỉ giá thấp. Như vậy là còn 0!

Giọt nước mắt muộn màng

Và bây giờ, lúc giá Yên lên 222 thì trong số này đã liên lạc lại và hối tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội làm việc cho một công ty lớn, từ bỏ một cơ hội mở mang kiến thức, tầm hiểu biết. Nếu bạn vì một lý do nào khác thì không nói làm gì, đằng này chỉ vì chuyện tỉ giá mà lại từ chối thì quả thật không nên, mặc dù không dám chắc nhưng cũng đoán rằng các bạn từ chối trong câu chuyện của mình cũng đang có một cảm giác tiếc nuối…

Tỉ giá có thực sự quan trọng không?

Rất quan trọng và cũng không quan trọng!

Quan trọng

Tất nhiên, mình cũng không cần phải giải thích gì nhiều về vấn đề này, vì 100% đều có thể hiểu tầm quan trọng của tỉ giá – khi quy đổi ra VND

Không quan trọng

Nhưng rất không may, chỉ có khoảng rất ít hiểu được tính không quan trọng của tỉ giá. Bạn làm việc cho Nhật Bản, thì bạn được nhận được đồng Yên, và bạn sử dụng đồng Yên trên đất nước này. Nó chỉ có giá trị khi bạn mang về nước, nên bạn không cần phải quan tâm đến nó, cho tới khi bạn cần quy đổi ra tiền Việt. Và việc bạn mang về được bao nhiêu đó mới là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn, và điều hay ho là ở Nhật không có khái niệm lạm phát, họ muốn lạm phát mà không được, nên tiền bạn sử dụng không hề bị mất giá trị bởi lạm phát.

Bài học rút ra

Về phía sử dụng lao động

Khi đăng tuyển dụng, công ty nước ngoài nên nhất quán đồng tiền để trả lương từ lúc đăng tuyển cho đến khi ký hợp đồng và trả lương. Đồng thời cũng phải giải thích rõ ràng sự biến động của tỉ giá là không thể kiểm soát.

Về phía người lao động

Cần nắm rõ bản chất của tỉ giá, tỉ giá thì có lên có xuống, nó không cố định và không ai có thể kiểm soát được. Bạn cần phải hiểu, tỉ giá có giá trị theo ngày giao dịch, có ngày biến động lớn thì có thể theo giờ, trừ Zimbawe vì nó biến động theo phút! Vì vậy, theo quan điểm của mình, tỉ giá không nên được đặt ra để cân nhắc quyết định có làm việc cho công ty nước ngoài hay không, ít nhất là với các ngoại tệ mạnh ít biến động như USD, Euro, British Pound (bảng Anh), YEN. Ngay cả Euro và Bảng Anh cũng bị biến động mạnh qua Brexit, do vậy đừng để nó vào điều kiện để quyết định có làm việc cho công ty nước ngoài hay không.

Lời kết

Nếu bạn tính lương theo tỉ giá, với mức tăng từ 172 lên 222, nghĩa là mức tăng khoảng 27% sau 1 năm, cộng với chính sách tăng lương 2 lần 1 năm, có nghĩa lương trong 1 năm tăng 35% theo quy đổi ra tiền Việt ??? Không phải như vậy đâu, hãy quên chuyện tỉ giá đi!

Mặc dù Nhật Bản đang thiếu nhân lực công nghệ thông tin trầm trọng, cũng như để hướng tới mục tiêu nước có nền công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, thì qua câu chuyện mình kể, cả 4 bạn đều không làm việc được trong đó có 3 bạn từ chối, và trong đó bạn cuối cùng qua thì bỏ về đã gây ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tuyển dụng kỹ sư Việt Nam. Hầu như công ty không hề có kế hoạch tuyển tiếp vì đã mất lòng tin!

Một lần nữa, mình hi vọng các bạn không đặt tỉ giá vào quyết định làm việc cho một công ty hay không. Cũng như hành xử văn minh, văn hoá đúng tư cách của người kỹ sư!

Cho dù bài viết này được viết khi đồng Yên tăng trở lại, nhưng với quan điểm trình bày về tỉ giá, nó sẽ vẫn đúng về bản chất cho dù đồng Yên giảm, một lần nữa, hãy quên tỉ giá đi!

Comments

Leave A Comment